'Gen Z là chìa khóa cạnh tranh trong nền kinh tế mới'
Cập nhật 11:01 05/06/2024
Ông Roland Wee, Chủ tịch Great Place To Work ASEAN và ANZ, cho biết lực lượng lao động Gen Z sẽ đóng vai trò quan trọng khi Việt Nam phát triển nền kinh tế tri thức.
Ông Roland Wee, Chủ tịch Great Place To Work ASEAN và ANZ, cơ quan toàn cầu về văn hóa nơi làm việc, nói Việt Nam đang sở hữu những lực lượng lao động được các tập đoàn đa quốc gia ưa chuộng. Do đó, quốc gia này có khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng để đảm nhận công việc sản xuất và kinh tế tri thức mà các công ty đa quốc gia cần tìm kiếm bên ngoài Trung Quốc.
- Việt Nam đang chứng kiến sự gia nhập thị trường của nhóm lao động Gen Z (1997-2012). Điều này sẽ đặt ra cơ hội và thách thức gì cho nền kinh tế?
- Gen Z là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng mạng xã hội và các thiết bị điện tử cầm tay nên thành thạo với việc sử dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày, kể cả nơi làm việc. Việc sử dụng rộng rãi mạng xã hội cũng có nghĩa họ có xu hướng ít bị bó buộc vào quy trình và thích nghi hơn trong vai trò của mình. Khi Việt Nam phát triển nền kinh tế tri thức, lực lượng lao động Gen Z sẽ đóng vai trò quan trọng để hiện thực hóa những điều kiện của nền kinh tế.
- Với doanh nghiệp, những thay đổi về lực lượng lao động sẽ tác động thế nào?
- Các lao động thế hệ Z có xu hướng thoải mái hơn với việc sử dụng công nghệ, do đó có thể tích hợp công nghệ vào công việc tốt hơn.
Khi trí tuệ nhân tạo phát triển và việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo được mở rộng ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực, khả năng hiểu và tương tác với công nghệ chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế mới. Tận dụng được thế mạnh này của các lao động Gen Z cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ nắm giữ được chìa khóa.
- Các tập đoàn sản xuất, công nghệ đa quốc gia đang có xu hướng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, đây có phải cơ hội cho nhóm lao động Gen Z?
- Việt Nam đang sở hữu lực lượng lao động được các tập đoàn đa quốc gia ưa chuộng, khác Trung Quốc, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng lực lượng lao động suy giảm trong 50 năm tới.
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc sẽ giảm gần 500 triệu công nhân từ nay đến năm 2100. Điều này tạo cơ hội cho những quốc gia như Việt Nam có khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng để đảm nhận công việc sản xuất và kinh tế tri thức mà các công ty đa quốc gia sẽ cần tìm kiếm ngoài Trung Quốc.
Không chỉ những lao động thuộc thế hệ Z, tất cả lao động Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này ngay cả khi họ làm việc gián tiếp với các công ty đa quốc gia với tư cách là nhà cung cấp hoặc khách hàng.
- Tại các quốc gia phát triển, chính phủ, doanh nghiệp chuẩn bị thế nào trước sự thay đổi lực lượng lao động kể trên?
- Việc hòa nhập các thế hệ kế tiếp vào lực lượng lao động chưa bao giờ là vấn đề đối với các quốc gia trên thế giới. Thách thức là làm thế nào để trang bị hiệu quả hơn và tạo điều kiện cho lực lượng lao động già đi.
Ở nhiều nước, nhóm dân số tăng trưởng nhanh nhất là nhóm trên 65 tuổi, điều này cũng đúng ở Việt Nam - quốc gia sẽ đạt đỉnh về lực lượng lao động trong 10 năm tới. Niềm tin truyền thống rằng nghỉ hưu ở tuổi 65 có thể không còn đúng khi chúng ta bước sang thế kỷ tiếp theo. Tuổi thọ bình quân được dự báo tiếp tục tăng nên mong muốn duy trì hoạt động kinh tế có xu hướng tăng lên theo thời gian.
Tuy nhiên, nhóm lao động trên 65 tuổi có thể không muốn hoặc không coi trọng công việc toàn thời gian như cách xã hội vận hành ngày nay. Thách thức đối với các quốc gia là xây dựng một giải pháp cho phép nhóm này duy trì hoạt động kinh tế và tiếp tục đóng góp cho xã hội, đặc biệt khi họ đã tích lũy được kinh nghiệm cả đời. Ví dụ, thay vì để một lao động làm việc 40 giờ một tuần, có thể sắp xếp 4 người trên 65 tuổi làm việc 10 giờ một tuần.
- Nhóm lao động Gen Z có ưu - nhược điểm gì so với thế hệ trước?
- Ưu điểm chính của lực lượng lao động Gen Z là tính linh hoạt. Do lớn lên cùng mạng xã hội, họ phải phát triển khả năng sáng tạo từ khi còn rất trẻ. Họ cũng có xu hướng thành thạo về công nghệ cơ bản, có năng khiếu học hỏi những công nghệ mới.
Thách thức quan trọng đối với thế hệ này là khả năng tập trung. Việc sử dụng rộng rãi mạng xã hội dẫn đến thời gian và khả năng tập trung trong công việc ngắn hơn.
- Các lao động Gen Z đề cao giá trị gì ở nơi làm việc?
- Thế hệ Z thường có sự hỗ trợ của cha mẹ và không cần chu cấp cho gia đình như các thế hệ trước đã làm. Vì vậy, lương và nhu cầu làm việc để được trả lương thường không phải là mối quan tâm hàng đầu của họ. Họ cần có đủ tính thử thách trong công việc và phải cảm thấy có cơ hội học hỏi, phát triển. Họ cũng phải nhìn thấy giá trị trong sứ mệnh và tầm nhìn của công ty, chỉ lương và lợi nhuận thôi sẽ không đủ để tạo động lực.
- Để đáp ứng nhu cầu của nhóm lao động này, nơi làm việc cần thay đổi thế nào?
- Gen Z thường coi trọng quyền tự chủ hơn các thế hệ trước, không thích bị theo dõi. Doanh nghiệp và người sử dụng lao động cần tập trung vào đầu ra hơn đầu vào khi làm việc với nhóm lao động này và chấp nhận không để mắt đến quá trình này quá chặt chẽ như từng làm với các nhóm trước. Điều này không dễ thực hiện vì nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhóm thế hệ trước, đã quen với hệ thống định hướng quy trình hơn là hệ thống định hướng đầu ra.
- Tại các quốc gia Great Place To Work khảo sát, các doanh nghiệp thích ứng ra sao với nhóm lực lượng lao động này?
- Có nhiều phương pháp được sử dụng và thực sự không có phương pháp nào phù hợp cho tất cả. Gen Z ở các quốc gia khác nhau có thể có những đặc điểm khác nhau.
Ở các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, khả năng chu cấp cho gia đình vẫn có thể được đánh giá khá quan trọng vì họ không có được sự hỗ trợ kinh tế tương tự như các gia đình ở các nền kinh tế phát triển hơn.\
Ngay cả ở một quốc gia như Việt Nam, hoàn cảnh có thể khác nhau một cách đáng kể trong mỗi nhóm. Điều quan trọng thực sự là phải hiểu từng thành viên và có thể gắn kết họ, từ đó, tối đa hóa tiềm năng và giá trị mà họ mang lại cho công ty.
Như Ý (Nguồn Vnexpress.net)